Theo Công ty Nippon Koei, thời gian qua, dự án tuyến metro số 1 kéo dài đã được đơn vị này nghiên cứu sơ bộ, nhưng do một số nguyên nhân khách quan nên phải tạm dừng.
Đến nay, nhiều điều kiện thuận lợi hơn nên đã cho phép đơn vị tái khởi động dự án này. Nippon Koei đã làm việc với các địa phương (TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương) để thống nhất về chủ trương đầu tư, nhằm tiếp tục lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Đặc biệt, theo nhà đầu tư này, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng có ý định tài trợ nguồn vốn cho dự án này, nếu UBND 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đồng ý khởi động lại dự án thì Công ty Nippon Koei sẽ thông báo với JICA và tiến hành cập nhật các thông tin. Từ nay đến thời điểm tuyến metro số 1 đi vào khai thác, đơn vị tư vấn sẽ phối hợp với các địa phương làm những thủ tục cần thiết để có thể khởi công được đoạn metro kéo dài này.
Công ty Nippon Kioe đề xuất, đoạn metro kéo dài sẽ là một dự án độc lập với tuyến metro số 1 hiện hữu, như vậy các thủ tục đầu tư sẽ thuận lợi hơn. Theo nghiên cứu của đơn vị tư vấn, dự án tuyến metro kéo dài có hướng tuyến cụ thể là: từ Ga Suối Tiên hiện nay kéo dài thêm 2km đến khu vực Bình Thắng (TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương), xây dựng 1 nhà ga tại đây; sau đó tuyến metro sẽ tách ra đi theo 2 hướng về TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và đi trung tâm TX.Dĩ An (tỉnh Bình Dương).
Hướng tuyến đi về TP.Biên Hòa hiện chưa có các điểm ga cố định mà chỉ là các nhà ga giả định nên cần phải tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu. Cũng theo ông Yoshiyuki Ishihara, mới đây nhóm nghiên cứu có thông tin về Khu công nghiệp Biên Hòa 1 sẽ chuyển đổi công năng thành khu dân cư, do đó đơn vị tư vấn sẽ phải tính toán để xác định hướng tuyến và điểm xây dựng nhà ga ở khu vực này.
Theo tính toán sơ bộ của nhóm nghiên cứu Nhật Bản, tổng chi phí để kéo dài metro từ TPHCM về Bình Dương và Đồng Nai khoảng 21.234 tỷ đồng.
Về phần địa phương, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên cần thiết nối dài đến Bình Dương và Đồng Nai mới phát huy hiệu quả cao. Bởi, nhu cầu đi lại từ TP.Biên Hòa đến TPHCM và ngược lại là rất lớn, đặc biệt nhiều chuyên gia cũng như lao động từ TPHCM hàng ngày đến các khu công nghiệp ở TP.Biên Hòa làm việc.
Được biết, trước đó Công ty Nippon Koei Nhật Bản cũng đã làm việc với Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM về dự án này và cũng nhận được sự ủng hộ nghiên cứu phương án nối dài tuyến Metro số 1 đến Bình Dường và Đồng Nai. Theo kế hoạch, Công ty Nippon Koei Nhật Bản sẽ làm việc với tỉnh Bình Dương để thống nhất quan điểm đầu tư dự án.
Theo quy hoạch, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên dài 19,7km, có tổng vốn đầu tư 47.325 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã triển khai 3 hợp đồng xây lắp và 1 hợp đồng mua sắm thiết bị. Dự kiến, tuyến Metro số 1 sẽ cơ bản hoàn thành và vận hành thử nghiệm trước tháng 10/2020 và đi vào khai thác năm 2021.
Về mặt quy hoạch vùng, Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, Metro số 1 giúp người dân các khu vực vệ tinh tiếp cận trung tâm TPHCM chỉ 20 phút di chuyển bằng phương tiện hiện đại, sẽ thay đổi quan niệm phải sinh sống ở trung tâm thành phố chật chội và hướng về các địa hạt giá rẻ, rộng và không gian xanh nhiều hơn. Quá trình giãn dân sẽ diễn ra tự nhiên.
“Quy hoạch vùng từ trước đến nay đều chọn TP.HCM là hạt nhân nên dẫn đến sự quá tải. Nếu không muốn ‘vỡ trận’ quy hoạch, cần phải xây dựng thêm những hạt nhân khác cho tầm nhìn dài hạn. Và việc kéo dài tuyến Metro số 1 có thể xem là một giải pháp thông minh. Một khi đã thừa hưởng hạ tầng hiện đại, Bình Dương và Đồng Nai với năng lực phát triển lớn, hoàn toàn có thể làm trọng tâm để phát triển vùng, ‘chia lửa’ cho TPHCM”, ông Sanh nhận định.
Ngay sau khi tuyến Metro số 1 được thông qua chủ trương kéo dài đến địa bàn hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, thị trường bất động sản bắt đầu gia tăng cả về số lượng dự án lẫn giá trị. Theo ghi nhận, tại một số dự án hạ tầng tốt tại Bình Dương và Đồng Nai tiếp giáp TP. HCM, giá đất nền đã tăng trên 30% so với cách đây nửa năm.
Đặc biệt là đất nền có vị trí đấu nối với Metro đang gây sốt trong thời gian qua. Theo các công ty bất động sản, tuyến metro số 1 chính thức được kéo dài đến tận Đồng Nai, Bình Dương đang khiến cục diện thị trường thay đổi. Điều này không những giúp thị trường địa ốc vệ tinh gia tăng giá trị mà còn mở ra hướng phát triển các sản phẩm hài hòa cung – cầu, triệt tiêu được các cuộc làm giá đất nền ở địa phận TPHCM cách đây ít lâu. Vì khi Metro nối dài, người mua đất tiếp cận được sản phẩm rẻ hơn trong khi vẫn tiếp cận được hạ tầng giao thông tương xứng.
Theo Nhịp sống kinh tế
Bài viết liên quan
Mở rộng đường Bình Chuẩn 69, Thuận An, Bình Dương
Thông tin quy hoạch Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành
Cho phép chuyển mục đích đất để xây chung cư Đông Tân
Hơn 9.156 tỉ đồng cho các dự án trọng điểm tại Bình Dương trong năm 2021
Bảng giá đất Bình Dương 2021
[infographic] Những thay đổi quan trọng liên quan đến sổ đỏ có hiệu lực từ năm 2021