Sau 2 lần chào bán cổ phiếu, “ông trùm khu công nghiệp” – Becamex đều đón nhận kết quả bẽ bàng khi “ế” tới 95% tổng lượng cổ phần. Vậy, cú ra mắt ngày đầu năm liệu có sáng sủa hơn?
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – TNHH MTV – Becamex (BCM) sẽ chính thức giao dịch 23.469.000 cổ phần trên sàn UPCOM kể từ ngày 21/2/2018. Giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên là 31.000 đồng/cổ phiếu.
Becamex sẽ là doanh nghiệp bất động sản công nghiệp tiếp theo lên sàn sau khi Tổng công ty Idico lên sàn vào ngày 24/11 vừa qua và một ông trùm khu công nghiệp tại Đồng Nai Sonadezi vào ngày 20/11.
Đây sẽ là ông lớn bất động sản công nghiệp nữa lên sàn sau một loạt doanh nghiệp như: IDV, LHG, D2D, KBC, SZL, TIP…
Từng được kỳ vọng sẽ là “bom tấn” IPO trong năm 2017, tái hiện thương vụ lịch sử của Vietcombank sau một thập kỷ nhưng “ông trùm khu công nghiệp” – Becamex đã khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng khi trở thành “bom xịt”, ế hàng hơn 95% tổng lượng cổ phần sau 2 lần rao bán.
Sau hai lần đấu giá, vào ngày 1/12/2017 và 3/1/2018, Becamex chỉ bán được tổng cộng hơn 24 triệu cổ phiếu, tương đương 7,7% trong tổng số 311,2 triệu cổ phần chào bán, thu về tổng cộng 745 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong đợt đấu giá lần 2, chỉ có 4 nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu của “ông trùm” khu công nghiệp Bình Dương, đăng ký đấu giá với tổng khối lượng 5,1 triệu cổ phiếu tại mức giá khởi điểm 31.000 đồng/cp. Với tổng cổ phần đem ra đấu giá 296,46 triệu cổ phiếu, đợt chào bán ra công chúng lần thứ 2 của Becamex “ế” đến 98,3% số cổ phần chào bán.
Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của Becamex sẽ ở mức 13.170 tỷ đồng, số lượng cổ phần được IPO là 311,2 triệu đơn vị, tương đương 23,6% vốn điều lệ dự kiến. Với mức giá khởi điểm 31.000 đồng/cp, số tiền Nhà nước thu về ít nhất đạt 9.647 tỷ đồng và được kỳ vọng sẽ là thương vụ IPO lớn nhất năm 2017, đứng thứ 2 trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam sau thương vụ IPO Vietcombank cách đây 10 năm.
Vào thời điểm Becamex công bố thông tin, sức thu hút của doanh nghiệp tập trung vào quỹ đất khủng do Tổng công ty này quản lý. Becamex từng “gây bão” trên thị trường khi bắt tay vào thực hiện “Siêu dự án” thành phố mới Bình Dương nằm trong khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ Bình Dương có tổng diện tích 1.000ha. Nhưng chính siêu dự án kể trên đã trở thành gánh nặng tài chính đối với Becamex.
Với quy mô lớn và quy hoạch có hệ thống, các dự án của Becamex đang triển khai được cho là sẽ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong vòng 10 đến 15 năm tới, được kỳ vọng đủ khả năng phục vụ cho khoảng 125.000 người định cư lâu dài và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia bất động sản, có vẻ như thành phố mới Bình Dương đã đưa ra tầm nhìn quá xa so với thực tiễn. Vấn đề cốt lõi của Bình Dương là chính sách đưa dân về khu vực thành phố mới diễn ra chậm hơn rất nhiều so với kỳ vọng ban đầu.
Trong ngắn hạn, nhà đầu tư chưa nhìn thấy khoản lợi nhuận nào sẽ tạo động lực bứt phá cho Becamex sau cổ phần hóa, ngoại trừ 8 trang giấy A4 liệt kê hàng chục khu đất đang cầm cố tại ngân hàng với tổng diện tích 5,5km2.
Theo BCTC quý II/2017, tính đến thời điểm 30/6/2017, doanh nghiệp này đang phải vay nợ ngân hàng ngắn hạn 3.700 tỷ đồng, cùng với đó là 14.000 tỷ đồng vay nợ và trái phiếu thường dài hạn nhằm tài trợ vốn cho các dự án bất động sản, khu công nghiệp, nhà ở xã hội,… trải khắp Bình Dương.
Với mức định giá có phần quá cao (31.000 đồng/cp) cùng rất ít thông tin được công bố (thậm chí chưa có kế hoạch tìm nhà đầu tư chiến lược), đợt IPO của Becamex bị “ế ẩm” là kết quả đã được nhìn thấy trước.
Theo báo Người Đưa Tin
Bài viết liên quan
Giá căn hộ Bình Dương leo thang, nhưng vẫn còn điểm sáng
Biệt thự Takara Residence: Đẳng cấp & tinh tế theo phong cách Nhật
Dự án sở hữu ‘resort trên không’ 6.000 m2 xuất hiện tại QL13
Thị trường bất động sản Bình Dương vẫn khởi sắc sau dịch
Cơ hội sở hữu đất nền tại dự án Đức Phát Center Bàu Bàng
Nam An Golden City sở hữu kết nối giao thông liên vùng hoàn chỉnh